Phóng sự - Huyện Hướng Hóa
Hướng Hóa (Quảng Trị): Nông dân phấn khởi khi mủ cao su được giá
Trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông sản của bà con nông dân ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khó khăn trong tiêu thụ, theo đó giá cả một số nông sản thấp hơn mọi năm. Trong khi đó, giá mủ cao su tăng giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định.
Theo các hộ trồng cao su ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết, năm nay giá mủ cao su dao động từ 10 đến 13 nghìn đồng/1kg mủ nước, tăng từ 1.000 - 1.500 đồng so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá này, người trồng cao su phấn khởi vì đã có lãi đáng kể.
Gia đình ông Hồ Văn Bình, dân tộc Vân Kiều ở thôn Đồng Tâm, xã A Dơi trồng 4ha cao su, trong đó 3 ha đã đưa vào khai thác mủ. Thời điểm này, bình quân mỗi tháng gia đình ông thu hoạch mủ cao su trừ hết chi phí thu về hơn 15 triệu đồng.
Anh Hồ Ta Kô, ở bản Giai, xã Thuận cho biết, năm 2012, gia đình đã chuyển đổi 1 ha sắn sang trồng cao su, nhờ tích cực chăm sóc, cộng vào đó cây cao su phù hợp với thời tiết và đất đai ở đây, nên vườn cao su của gia đình anh phát triển tốt. Tuy nhiên, những năm trước đây, cao su rớt giá, số tiền thu được không đủ bù chi phí bỏ ra. Bước vào vụ khai thác mủ năm nay, gia đình anh phấn khởi khi giá mủ cao su tăng, bình quân hằng tháng, trừ các chi phí gia đình anh thu về 8 triệu đồng.
Người dân xã A Dơi chăm sóc vườn cao su.
Chủ tịch UBND xã A Dơi - Hồ Xa Cách cho biết: Từ năm 2006, Chương trình đa dạng hóa nông nghiệp đã hỗ trợ cho 173 hộ trồng 325 ha cao su. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Đề án của HĐND huyện “Chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác giai đoạn năm 2017-2020 đối với các xã vùng Lìa", xã A Dơi đã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng 178 ha cây cao su, nâng tổng số diện tích cây cao su toàn xã lên 562 ha, trong đó 450 cao su đã cho khai thác mủ. Nguồn thu nhập cao su đưa lại không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn giúp cho một số hộ vươn lên khá giả. Để tiếp tục phát triển hiệu quả của cây cao su, từ nay đến năm 2025, xã sẽ thực hiện trồng mới từ 100 đến 150 ha cao su.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã A Dơi cho biết: "Cây cao su là cây trồng chủ lực, do đó người dân xã chúng tôi vẫn đầu tư cho loại cây này nhiều nhất. Tại xã từ tháng 10/2020 đã thành lập Hợp tác xã Sê Pôn, gồm 16 thành viên, cùng với 2 đại lý trên địa bàn đã mua mủ cao su nên rất thuận lợi cho cho bà con nông dân trong tiêu thụ sản phẩm".
Người dân xã A Dơi khai thác mủ cao su.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Sê Pôn cho biết: Sau khi được thành lập, Hợp tác xã đã tập trung thu mua mủ cho người trồng cao su trên địa bàn, mùa khai thác mủ cao su của người trồng cao su bắt đầu từ đầu tháng 4 năm trước đến tháng 1 năm sau. Niên vụ cao su năm nay bình quân hằng tháng, Hợp tác xã thu mua khoảng 45 tấn mủ tươi, với số tiền 45 triệu đồng.
Theo người trồng cao su, loại cây trồng này chỉ tốn kinh phí đầu tư trong thời gian đầu. Cây cao su chỉ cần bón phân 1 lần trong năm. Người trồng có thể tận dụng các loại phân chuồng, phân xanh hữu cơ ủ từ lá cây để bổ sung dinh dưỡng cho cây cao su nên không tốn nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc, phân thuốc như nhiều cây trồng khác.
Ông Hồ Quốc Trung, Phó phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết: Trước đây, huyện Hướng Hóa đã phát triển cây cao su ở các xã vùng Lìa, tuy nhiên do giá mủ cao su thấp nên người dân không mặn mà đầu tư trồng và chăm sóc. Những năm trở lại đây, giá mủ cao su bắt đầu hồi phục, cùng với chăm sóc diện tích cao su đã trồng, nông dân các xã vùng Lìa đã chuyển đổi một số diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cao su.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có khoảng 1.148,7ha cao su, trong đó 513ha đã cho khai thác mủ, tập trung chủ yếu ở các xã A Dơi, Thanh, Thuận, Lìa, Hướng Lộc là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Nếu mức giá như năm nay ổn định thì bà con dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập cao so với những loại cây trồng khác trong thời điểm hiện nay.
Được biết, trong những năm gần đây, cùng với tập trung duy trì và phát triển các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chuối, sắn..., với sự góp mặt của cây cao su đã đem lại nguồn thu nhập khá lớn trong đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiểu, Pa Kô ở các xã vùng Lìa, nhiều hộ thông qua trồng cao su không chỉ xóa được được đói, giảm được nghèo mà vươn lên khá giàu.
Để tiếp tục phát triển nguồn lợi của cây cao su, Nghị quyết Đại hội hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn huyện trồng 1300 ha cao su, với sản lượng đạt 999,14 tấn mủ đông.
Ý kiến bạn đọc
-
Hiệu quả từ chăn nuôi vịt trên sàn lưới tại Hướng Hóa
(03/04/2022) -
Hướng Hóa: Nông dân phấn khởi vì sắn được mùa, được giá
(03/04/2022) -
Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa giúp nhau thoát nghèo
(03/04/2022) -
“Cầm tay chỉ việc” giúp phụ nữ vùng khó thoát nghèo
(03/04/2022) -
Hướng Hoá: Hỗ trợ hơn 60.000 giống cây cà phê chè catimor để tái canh cây cà phê
(03/04/2022) -
Hướng Hoá: Hỗ trợ hơn 60.000 giống cây cà phê chè catimor để tái canh cây cà phê
(03/04/2022) -
Đổi thay ở một xã vùng biên
(03/04/2022) -
Đổi thay ở một xã vùng biên
(03/04/2022) -
Hiệu quả từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi
(03/04/2022) -
Hiệu quả từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi
(03/04/2022)
- Đang truy cập4
- Hôm nay1611
- Tổng lượt truy cập3.114.770