Phóng sự - Huyện Hướng Hóa

 

Hiệu quả từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi

03/04/2022 1057 0

(QTO) - Mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc đang là hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hướng Hóa. Cũng như nhiều hộ gia đình khác tại địa phương, nhờ biết khai thác hiệu quả lợi thế địa hình đồi núi, đồng cỏ nên đến nay gia đình anh Hồ Văn Chương ở thôn Coóc, xã Hướng Linh đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để.

Anh Hồ Văn Chương tận dụng cỏ tự nhiên dưới tán rừng trồng để nuôi trâu vỗ béo - Ảnh: Đ.V

Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, những năm qua nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi, anh Chương quyết tâm đầu tư khai thác lợi thế đất đai để phát triển kinh tế gia đình. Dù gia đình chỉ có khoảng 3 ha đất đồi nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, anh Chương đã tận dụng tối đa diện tích để thực hiện mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Anh cho biết mỗi lứa rừng tràm sau 5 năm có thể cho thu hoạch. Để có thu nhập liên tục qua từng năm, anh thực hiện trồng rừng theo hình thức xen kẽ nhiều lứa cây. Nhờ nguồn thu nhập từ rừng, anh từng bước quay vòng vốn để đầu tư chăn nuôi trâu vỗ béo. Tận dụng nguồn cỏ tốt tươi dưới tán rừng trồng, anh thả nuôi vỗ béo mỗi lứa từ 2-3 con trâu.

 

Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi cùng với ý chí vươn lên thoát nghèo, đến nay mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Chương đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế đáng mừng. Hiện nay, ngoài nguồn thu từ rừng thì mỗi năm anh Chương còn vỗ béo và xuất bán được vài lứa trâu, nhờ vậy có nguồn thu nhập ổn định gần 90 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình anh từng bước thoát nghèo, đời sống ngày càng ổn định hơn, con cái được học hành đàng hoàng. Anh Chương vui vẻ cho biết: “Nhiều năm trước đây gia đình tôi trồng sắn nhưng do diện tích đất ít, giá cả và đầu ra của sắn củ lại khá bấp bênh nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Ngoài ra, cây sắn qua vài năm canh tác thì đất bị bạc màu, phải đầu tư thêm phân bón cải tạo dinh dưỡng cho đất rất tốn kém, gia đình tôi không có khả năng. Sau khi suy nghĩ kỹ tôi quyết định chuyển qua trồng rừng toàn bộ diện tích 3 ha, đồng thời tận dụng cỏ tự nhiên dưới tán rừng đầu tư nuôi trâu vỗ béo. Nhận thấy mô hình đạt hiệu quả khá và có thu nhập ổn định nên gia đình đã gắn bó đến bây giờ, nhờ vậy cuộc sống đỡ hơn nhiều”.

 

Hiện nay các xã phía Tây huyện Hướng Hóa như Hướng Linh, Hướng Tân và Hướng Sơn đang hỗ trợ nhân rộng các mô hình kinh tế vườn đồi nhằm tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo được phát triển sản xuất để thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Nhờ sự vận động tích cực của chính quyền địa phương, hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi của các ngành, các nguồn vốn vay ưu đãi nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có điều kiện thuận lợi và động lực để thực hiện mô hình. Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh Hồ Văn Ngại cho biết, thời gian qua, xã đã tập trung vận động người dân thực hiện mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi vì đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và tập quán chăn nuôi của người dân. Đến nay trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi trâu, bò, dê đạt hiệu quả kinh tế khá cao. “Gia đình anh Hồ Văn Chương là một trong những gia đình điển hình thực hiện hiệu quả mô hình trồng rừng kết hợp nuôi gia súc. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế theo mô hình vườn hộ, vườn rừng kết hợp chăn nuôi, qua đó giảm tỉ lệ hộ nghèo của địa phương và tạo động lực giúp các hộ vươn lên khá, giàu một cách bền vững”, ông Ngại cho biết.

 

Có thể thấy, xu hướng phát triển mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc là một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa bàn xã Hướng Linh nói riêng, huyện Hướng Hóa nói chung. Nhờ biết tận dụng lợi thế từ chăn nuôi và trồng rừng để xóa đói giảm nghèo nên diện mạo nông thôn ở xã Hướng Linh ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Mô hình cũng góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

 

                                                                                                                                                                                                Hiếu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập2
  • Hôm nay48
  • Tổng lượt truy cập3.114.951