Phóng sự - Huyện Hướng Hóa
Nâng cao đời sống cho công dân mới nhập quốc tịch Việt Nam
(QTO) - Thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” ký kết ngày 8/7/2013, qua khảo sát, điều tra, phân loại, danh sách người Lào di cư tự do được phép cư trú tại tỉnh Quảng Trị gồm 855 người. Ngay sau khi có danh sách phê duyệt, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp hướng dẫn các cá nhân có tên trong danh sách làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam trong các đợt năm 2018 và năm 2019. Đến nay, những người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú đã nhập quốc tịch Việt Nam được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại cộng đồng nơi cư trú.
Anh Hồ Văn Ven, 40 tuổi, cư trú ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết, hơn 20 năm di cư tự do sinh sống trên đất nước Việt Nam, được cho phép nhập quốc tịch Việt Nam trong các đợt năm 2018 và năm 2019 vừa qua bản thân anh cùng 240 người Lào trong thôn rất vui mừng, phấn khởi. Thôn A Dơi Đớ có 155 hộ dân, trong đó có 40 hộ dân người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú, được phép nhập quốc tịch Việt Nam. Đây cũng là thôn có đông người Lào di cư tự do và sinh sống tập trung nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vừa mới được nhập quốc tịch Việt Nam.
“Trước đây, khi chưa được nhập quốc tịch Việt Nam bà con người Lào thôn A Dơi Đớ nói riêng và những người Lào di cư tự do sinh sống dọc biên giới Việt Nam nói chung thiệt thòi nhiều thứ lắm, đặc biệt là không có quyền công dân nên không làm được các giấy tờ pháp lý của bản thân và cho con cái học hành. Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, chúng tôi được tạo điều kiện thuận lợi đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn và cấp các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, biên giới…, các hộ gia đình và cá nhân mới được nhập quốc tịch cũng đều được hưởng như người dân sở tại, được đầu tư con đường bê tông chạy quanh thôn rất thuận tiện cho việc định canh, định cư, đi lại, làm ăn, nhất là trong mùa mưa. Hiện nay, chính quyền các cấp đang thực hiện từng bước việc đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho những hộ gia đình mới được nhập quốc tịch, tạo điều kiện cho bà con sinh sống ổn định. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà con có điều kiện để vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hy vọng đời sống ngày càng khởi sắc hơn”, anh Ven chia sẻ.
Không chỉ những người Lào di cư tự do sinh sống tập trung ổn định như ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi mà những hộ gia đình người Lào sinh sống rải rác trên địa bàn các thôn khác nhau dọc biên giới huyện Hướng Hóa mới được nhập quốc tịch Việt Nam đều được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành giống với người dân sở tại.
Anh Hồ Văn Chung, cư trú ở thôn Thanh Ô, xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Gia đình tôi được nhập quốc tịch Việt Nam năm 2019. Cả 5 đứa con của tôi đều đã được đăng ký khai sinh, có bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Đất ở và đất sản xuất của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về điều kiện kinh tế, gia đình tôi nuôi 6 con bò, trồng 5 ha sắn và 2 ha chuối, thu nhập khá cao, đời sống ổn định”.
Năm 2020, xã Thanh triển khai dự án trồng cây chè vằng, trong đó có 2 hộ dân người Lào nhập quốc tịch Việt Nam tham gia dự án. Nhìn chung, các hộ dân người Lào vừa được nhập quốc tịch Việt Nam đều hòa nhập tốt với cuộc sống của cộng đồng nơi cư trú.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết: “Trong năm 2018 và năm 2019, Chủ tịch Nước đã ký quyết định cho 656 người Lào di cư tự do sang Việt Nam sinh sống trên địa bàn huyện Hướng Hóa được nhập quốc tịch Việt Nam. Theo đó, từ ngày được nhập quốc tịch Việt Nam đến nay, huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thành các thủ tục hồ sơ cho những người Lào di cư tự do được nhập quốc tịch Việt Nam. Toàn bộ chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với người được nhập quốc tịch thực hiện theo đúng quy định. Đã thực hiện giao đất, cấp đất ở, đất sản xuất; đầu tư các công trình phúc lợi công cộng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch để người dân ổn định cuộc sống. Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, các công dân mới được nhập quốc tịch Việt Nam lần đầu tiên cầm lá phiếu cử tri tham gia bầu cử, thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình, nên họ rất phấn khởi. Khó khăn đối với địa phương sau khi thực hiện nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào di cư sang là hộ nghèo của huyện tăng lên và các công trình phúc lợi yêu cầu phải đảm bảo. Do đó, huyện tiếp tục thực hiện tốt mọi chế độ chính sách đối với công dân nước CHXHCN Việt Nam, đồng thời nỗ lực hơn nữa hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo người Lào mới nhập quốc tịch Việt Nam để họ vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Ý kiến bạn đọc
-
Thủy điện Hướng Sơn phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, sinh kế và an toàn
(03/04/2022) -
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang kiểm tra thực địa các dự án điện gió triển khai trên địa bàn huyện Hướng Hoá
(03/04/2022) -
Vợ chồng đồng lòng để thoát nghèo bền vững
(03/04/2022) -
Xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê Khe Sanh
(03/04/2022) -
Khảo sát xây dựng mô hình homestay tại thôn Chênh Vênh
(03/04/2022) -
Thành công với mô hình kinh tế tổng hợp
(03/04/2022) -
Phát triển kinh tế ở xã Thuận
(03/04/2022) -
Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 3: Kỳ vọng vào ngành công nghiệp năng lượng
(03/04/2022) -
Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 2: Gỡ khó cho các dự án điện gió
(03/04/2022) -
Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 1: Khi điện gió về bản
(03/04/2022)
- Đang truy cập1
- Hôm nay47
- Tổng lượt truy cập3.114.950