Phóng sự - Huyện Hướng Hóa
Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 1: Khi điện gió về bản
(QTO) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII xác định tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. Để thực hiện được khát vọng đó, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách, kêu gọi đầu tư và đồng hành với nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch trên địa bàn, trong đó có các dự án điện gió với tổng công suất gần 1.120 MW.
Hứa hẹn nhiều đổi thay
Từ thị trấn Khe Sanh rẽ lên phía Bắc, đi qua các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những trụ điện gió sừng sững vươn cao giữa núi rừng. Bức tranh thiên nhiên hiền hòa bao đời với núi đồi và những mái nhà sàn nay được điểm tô thêm nét chấm phá mới từ những cánh quạt điện gió khổng lồ quay giữa bầu trời. Niềm vui len lỏi trong suy nghĩ của mỗi chúng tôi, bởi nơi đây giờ đã không còn “Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/Những đồi sim không đủ quả nuôi người” (thơ Chế Lan Viên). Gió Lào vẫn thao thiết thổi và sự nghèo đói chưa hẳn đã chấm dứt nhưng đổi thay đang hiện hữu từng ngày. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô cùng nhiều dự án được triển khai trên địa bàn, trong đó có dự án điện gió, hứa hẹn sẽ mang đến sự đổi thay trong tương lai. Cũng cần nói thêm rằng, điện gió vốn được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng đối với vùng đất này lại mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi đây là nơi sinh sống bao đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, đa số chỉ dựa vào nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám quanh năm.
Ngày những cánh quạt điện gió khổng lồ được lắp vào trụ, quay giữa núi rừng Hướng Linh, già làng Hồ Văn Lượng (năm nay ngoài 80 tuổi), cùng người dân thôn Miết, xã Hướng Linh kéo hết ra đường xem. Bà con cứ trầm trồ: Cái quạt chi mà to dữ, như cánh máy bay. Già Lượng phải giải thích nhiều lần để bà con hiểu, đó là cánh quạt của công trình điện gió. “Vùng này gió dữ lắm, gió thổi suốt quanh năm nên bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Không ngờ gió mà hái được ra tiền...”, già Lượng nói. Vì gặp khó khăn trong trồng trọt nên khi được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều bà con đã dùng số tiền đó đầu tư chăn nuôi, sản xuất tăng thêm thu nhập.
Trong số 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.077 MW đã được phê duyệt của tỉnh Quảng Trị, riêng địa bàn huyện Hướng Hoá đã có 30 dự án với công suất 1.047 MW. Hiện có 25 dự án điện gió đang triển khai, các nhà đầu tư đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành trước ngày 1/11/2021.
Còn đối với ông Hồ Văn Ka Ra (sinh năm 1972) ở bản Cheng, xã Tân Liên, khi điện gió về bản, ông đã có một công việc mới. Chúng tôi gặp khi ông chuẩn bị vào ca trực đêm (từ 5 giờ chiều hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau). Gần 50 tuổi, lần đầu tiên được làm công nhân cho một công ty lớn ở địa phương, ông không khỏi vui mừng. Ông kể ngày đầu tiên đi làm, ông thấp thỏm không ngủ được. Trước khi nhận nhiệm vụ, ông được đội trưởng nhắc nhở phải đi đúng giờ, tuân thủ nghiêm các nội quy, quy định của công ty. Nhiệm vụ của ông là trực tua bin 4 của dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1. Trong bộ đồng phục của công ty, nhìn ông khác hẳn với dáng vẻ ngày thường. “Tui được nhận lương 6 triệu đồng một tháng, lo đủ cho các con ăn học. Mừng lắm. Làm lúa mùa được mùa mất, năm rồi do mưa lũ nên bà con ai cũng mất mùa. Nay có việc làm ổn định, cả nhà ai cũng vui”, ông Ka Ra chia sẻ. Vì làm ca tối nên ban ngày, ông tranh thủ lên nương cùng vợ, để “có thêm cái ăn cái mặc cho con” như ông nói. Ông cũng đã tính sẵn là nhận tháng lương đầu tiên, nhất định ông sẽ khao vợ con một bữa ra trò. Đội bảo vệ của ông có 16 người, đều là người dân địa phương được công ty tuyển dụng vào làm việc. Ai cũng có chung niềm vui như ông Ka Ra.
Giám đốc dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 Nguyễn Văn Đoán cho biết: “Dự án được triển khai trên địa bàn xã Tân Liên nên chúng tôi xác định phải ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương. Đội bảo vệ công trình là ví dụ. Vị trí này rất quan trọng, phải thực sự tin tưởng thì chúng tôi mới tuyển dụng. Chúng tôi đang có kế hoạch đào tạo các kỹ năng cơ bản để sau này họ đảm nhiệm công việc bảo vệ nhà máy”. Ông Đoán còn cho biết thêm, đào tạo lao động người địa phương thì chi phí thấp hơn nhiều so với thuê lao động nơi khác đến. Vì thế trong kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động, công ty sẽ ưu tiên đến vấn đề này nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp với người dân.
Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị có 5 dự án điện gió được triển khai trên địa bàn huyện Hướng Hóa, bao gồm dự án điện gió Gelex 1,2,3 có công suất 90MW ở xã Hướng Linh và Hướng Phùng 2,3 có công suất 60MW ở xã Hướng Phùng. Trong giai đoạn thi công, 60% lao động trên các công trình của 5 dự án này là lao động người địa phương. Trong giai đoạn vận hành, công ty đã tuyển 20/25 cán bộ là người địa phương để đi đào tạo từ năm 2020.
Khẩn trương trên những công trình
Những ngày này, dọc Quốc lộ 9 từ Đông Hà lên Hướng Hóa, nhiều chiếc container miệt mài vận chuyển thiết bị phục vụ cho các dự án điện gió. Những thiết bị siêu trường, siêu trọng này đang được khẩn trương tập kết tại các công trình điện gió để kịp tiến độ thi công. Một vùng núi đồi rộng lớn ở Hướng Hóa giờ như một đại công trường, với hàng chục dự án điện gió đang thi công. Kéo theo đó, hàng ngàn công nhân, kỹ sư, chuyên gia cũng đã về nơi đèo heo hút gió này để làm việc. Điều đáng mừng và rất ít khi thấy là hầu như tất cả các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn thị trấn Khe Sanh thời gian gần đây đều đã đặt hết phòng, kéo theo nhiều dịch vụ khác cùng phát triển sôi động.
Trạm trộn bê tông của dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 hoạt động liên tục để đảm bảo tiến độ công trình - Ảnh: H.N
Trên các công trình điện gió ở xã Hướng Linh, không khí lao động khẩn trương hiện rõ, bởi nơi đây có 8 dự án điện gió đang được triển khai, nâng số dự án điện gió trên địa bàn xã này lên 10 dự án (trước đó đã có hai dự án điện gió đi vào hoạt động). Tại các công trình điện gió Gelex 1,2,3, thời điểm chúng tôi có mặt vào cuối tháng 5/2021, công nhân đang hoàn thành nốt phần móng tua bin. 20/21 móng tua bin được hoàn thành và 12/21 trụ tua bin được lắp đặt vào thời điểm đó. Không khí làm việc ở đây hết sức tấp nập. Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị cho biết: “Các thiết bị hạng nặng của công trình điện gió sẽ về cảng Hòn La (Quảng Bình) trong tháng 6, một số thiết bị khác đã được chuyển về đến chân công trình, đang triển khai lắp đặt. Chúng tôi dự kiến hoàn thành việc xây dựng trạm biến áp 110kv cùng đường dây đấu nối trong tháng 6 và lắp đặt tất cả các tua bin trong tháng 7. Với tiến độ này, hy vọng công trình sẽ hoàn thành trước ngày 1/11/2021”.
Dự án điện gió Hướng Linh 3,4 của Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu hiện đã hoàn thành được khoảng 60% tiến độ. Những ngày tới, thiết bị do công ty đặt sẽ được vận chuyển đến công trình. Ông Nguyễn Dũng, Phó Trưởng Ban Tổ chức hành chính của công ty cho biết: “Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch với chủ đầu tư của các dự án điện gió khác trên địa bàn thống nhất thời gian vận chuyển thiết bị của từng đơn vị theo tuyến đường Khe Van - Hướng Linh nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trên đoạn đường này, tránh nhiều xe vận chuyển cùng thời điểm sẽ gây ách tắc vì các thiết bị công trình đều siêu trường, siêu trọng”. Ông Dũng cho biết thêm, địa hình ở xã Hướng Linh là một yếu tố rất thuận lợi để phát triển điện gió. Trước đó, dự án điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2 có công suất 60MW do đơn vị làm chủ đầu tư đã đóng điện vào tháng 2/2017. Theo đánh giá của ngành điện thì công trình điện gió Hướng Linh 1, 2 là một trong những công trình đạt công suất tối ưu trên toàn quốc.
Đã hơn 5 giờ chiều, trên công trường dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 ở xã Tân Liên, công nhân vẫn đang khẩn trương làm việc. Công trình này được triển khai từ tháng 3/2021, có công suất 49MW, với 12 trụ tua bin được xây dựng tại địa bàn các xã: Húc, Hướng Lộc, Tân Liên và thị trấn Khe Sanh. Thuộc một trong những dự án triển khai muộn nhưng phải gấp rút hoàn thành trước 1/11/2021 nên công ty phải đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Nguyễn Văn Đoán cho biết: “Giai đoạn này chúng tôi chủ yếu thi công đường giao thông mặt bằng trụ và chuẩn bị mặt bằng lắp đặt. Hiện chúng tôi đã hoàn thành được 60 - 70% tiến độ dự án. Công ty đã đặt tua bin, dự kiến trong tháng 6/2021 sẽ chuyển thiết bị về để hoàn thiện kịp tiến độ. Công trình hiện có 200 lao động được chia 3 ca làm 24/24 giờ trong ngày. Hòa trong không khí lao động khẩn trương của công nhân trên công trường dự án, anh Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1980), công nhân phòng máy chia sẻ: “Chúng tôi được quán triệt về tiến độ công trình từ trước nên ai cũng cố gắng hết sức trong phần công việc của mình. Chúng tôi làm việc theo phương châm: Trách nhiệm, khẩn trương và đảm bảo an toàn lao động”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: Hiện các chủ đầu tư công trình điện gió trên địa bàn đều đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong giai đoạn này, trung bình một dự án tuyển khoảng 30-40 lao động phổ thông tại địa phương, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con. Ngoài ra, quá trình thi công dự án, các chủ đầu tư tự bỏ vốn xây mới, cải tạo, mở rộng một số tuyến đường giao thông trên địa bàn. Khi dự án hoàn thành thì những con đường này được chủ đầu tư giao lại cho địa phương quản lý. Đây là yếu tố thuận lợi để góp phần vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Như đã nói ở trên, các thiết bị của công trình điện gió đều siêu trường, siêu trọng nên để thuận lợi trong việc vận chuyển, nhà đầu tư phải cải tạo, xây mới một số tuyến đường giao thông. Ví dụ như Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đã đầu tư xây dựng tuyến đường Khe VanHướng Linh 250 tỉ đồng với chiều dài 15 km. Hay chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 đầu tư cải tạo và mở rộng đoạn đường 4 km từ Quốc lộ 9 vào xã Tân Liên để vận chuyển thiết bị công trình. Ngoài ra, một số tuyến đường dân sinh cũ cũng được các chủ đầu tư nâng cấp, mở rộng, vừa phục vụ trước mắt, vừa lâu dài khi giao cho địa phương quản lý.
Hoài Nam - Mai Lâm
Ý kiến bạn đọc
-
Hướng Hoá phối hợp trao tặng bò cái sinh sản cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và mô hình “Dân vận khéo” tại thôn Trùm, xã Ba Tầng
(03/04/2022) -
Chi cục Thuế huyện Hướng Hóa: Nỗ lực vượt bậc trong công tác thu ngân sách
(03/04/2022) -
Hướng Hóa đề xuất phân bổ hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ
(03/04/2022) -
Hướng Hóa: Chuối tết khan hiếm, giá cao
(03/04/2022) -
Hướng Hoá: Mùa miến dong ở đỉnh Xa Ry
(03/04/2022) -
Thẩm định xã Tân Hợp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018- 2020
(03/04/2022) -
Hướng Hóa: Phát động trồng 100ha rừng tại 2 xã Hướng Phùng và Hướng Sơn
(03/04/2022) -
Hướng Hóa: Siết chặt quản lý chất lượng cà phê trong vụ thu hoạch mới
(03/04/2022) -
Hướng Hóa: Thí điểm mô hình nuôi hươu lấy nhung và sinh sản
(03/04/2022) -
Đồng hành cùng người dân nghèo tái sản xuất sau mưa lũ
(03/04/2022)
- Đang truy cập1
- Hôm nay223
- Tổng lượt truy cập3.115.126