Phóng sự - Huyện Hướng Hóa

 

Hiệu quả từ những mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp ở Hướng Hóa

15:8, Chủ Nhật, 3-4-2022 1547 0

Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa hiện có hơn 94 nghìn dân, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, chiếm gần 50%; tổng diện tích tự nhiên hơn 115 nghìn ha, trong đó đất có khả năng sản xuất nông, lâm nghiệp khá lớn. Trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu, đất đai và lợi thế của địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ

Thiết thực từ những mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp

Với xuất phát điểm kinh tế và trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, do đó, huyện Hướng Hóa gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa nói riêng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: Phát triển ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản toàn diện bền vững, khai thác có hiệu quả lợi thế của địa phương, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết trên, huyện Hướng Hóa đã tập trung chỉ đạo và ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới, nhằm từng bước nâng cao trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cho người nông dân, trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất tập trung các cây trồng thế mạnh của địa phương, nhằm tạo sản phẩm nông, lâm sản thành hàng hóa từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập cho nông dân.

Mô hình trồng cây Dâu tây trên Đèo Sa Mù

Mô hình trồng cây Dâu tây trên Đèo Sa Mù

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện trên 20 mô hình sản xuất mới trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đã đem lại hiệu quả thiết thực. như: Mô hình trồng lúa nước sử dụng công cụ sạ hàng thực hiện vụ Đông - Xuân 2016 - 2017 tại thôn Hà Lệt, xã Tân Thành; thôn Cheng, Bụt Việt, xã Hướng Phùng; thôn Coóc, xã Hướng Linh, năng suất trung bình đạt 52 - 55 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà 8 -10 tạ/ha, vừa giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2017, toàn huyện chuyển đổi 71,1 ha đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng ngô, đem lại nguồn thu nhập từ 36 triệu đồng lên đạt 54 triệu đồng/ha/vụ, ngoài ra phụ thu từ thân ngô tươi để chế biến thức ăn cho gia súc; mô hình trồng sắn xen lạc vụ Đông Xuân 2016 - 2017 triển khai thực hiện tại các xã Hướng Tân, Tân Lập, Hướng Sơn, Hướng Việt, có 20 hộ tham gia với diện tích 4 ha, đã đưa lại nguồn thu nhập từ 27 triệu đồng/ha trồng thuần sắn lên 62 triệu đồng/ha trồng xen lạc; mô hình trồng và chăm sóc cây chuối Mật móc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã Tân long, Thanh của 25 hộ, với diện tích 20 ha, hiệu quả đưa lại chuối phát triển xanh tốt, quả chuối to, ít sâu bệnh, màu sắc đẹp, năng suất năm đầu lợi nhuận thu được 21 triệu đồng/ha, các năm tiếp theo trên 35 triệu đồng/ha; từ năm 2017 đến năm 2020 với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1,6 tỉ đồng,  các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Hướng Sơn, thị trấn Khe Sanh đã thực hiện mô hình tái canh trồng mới cây cà phê với hơn 600 ha, cho năng suất tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với các vườn cà phê kinh doanh từ năm thứ 10 trở lên; mô hình trồng cây chanh leo liên kết với Công ty Nafoods Tây Bắc được triển khai từ năm 2018 ở các xã Tân Lập, Tân Liên, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, đến nay hiện có 24 ha, với sản lượng thu hoạch khoảng 200 tấn, bình quân mỗi ha cho thu nhập hơn 250 triệu đồng; mô hình Ứng dụng Công nghệ OBi-Ong biển, cải tạo vườn cà phê già cỗi liên kết theo chuổi giá trị được triển khai thực hiện tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng với diện tích 9 ha, có 13 hộ tham gia, trên diện tích cà phê từ 8 - 10 năm tuổi; kết quả vườn cây cà phê phát triển tốt, số lá mới ra nhiều hơn, lá xanh đậm, dày, chồi non ra nhiều, rễ tơ phát triển, năng suất tương đương với các vườn cà phê không già cỗi; mô hình trồng gừng áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) triển khai thực hiện ở các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, hiệu quả đưa lại năng suất bình quân đạt từ 18 - 20 tấn/ha, cao hơn các vườn gừng trồng bình thường từ 2 - 4 tấn/ha; mô hình nuôi cá truyền thống triển khai thực hiện ở thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, thôn Tân Hào, xã Tân Liên, thôn A Cha, xã A Xing, thôn Húc Thương, xã Húc, tôn Xa Bai, xã Hướng Linh, thôn Mã Lai, xã hướng Phùng, với diện tích 1,15 ha, gồm 18 hộ tham gia, thông qua mô hình trình diễn người dân đã tiếp thu kỹ thuật quản lý ao, phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc, năng suất đạt từ 7 - 9 tấn/ha; mô hình nuôi bò sinh sản bán thâm canh, vỗ béo triển khai thực hiện ở các xã: Tân Thành, Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp với tổng kinh phí 300 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 16 con bò nái lai Sind/08MH, đến nay đã sinh sản 8 con bê, số bê này sẻ chuyển giao cho các hộ trên địa bàn để nhân rộng mô hình; mô hình nuôi hươu khai thác nhung của bà Hồ Thị Thanh ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, với số lượng 20 con; mô hình trồng cây Sa nhân tím làm dược liệu dưới tán rừng phục hồi với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng cho 11 hộ ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân, thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng; mô hình trồng rừng sản xuất tập trung và phân tán bằng cây keo lai ở các xã Hướng Linh, Hướng Lộc, Ba Tầng, Húc, Tân Long, Tân Thành, Tân Liên, Tân Lập, Xy, A Dơi, A Xing, với tổng kinh phí 1.086 triệu đồng, đã thực hiện trồng 267 ha rừng...

Mô hình trồng hoa trên Đèo Sa mù của Sở Khoa học công nghệ

Mô hình trồng hoa trên Đèo Sa mù của Sở Khoa học công nghệ

Với kết quả đạt được của việc xây dựng, các mô hình sản xuất mới đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao trình độ sản xuất cho bà con nông dân, nhất là nông dân người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng các mô hình còn những khó khăn, tồn tại: Mặc dầu một số mô hình có giá trị gia tăng, nhưng quy mô diện tích hộ nhỏ nên giá trị thu nhập không lớn để kích thích hộ tham gia trên diện rộng; một số mô hình chỉ mang tính cách trình diễn, do đó nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng mô hình còn ít, mang tính dàn trãi, phân tán; sản phẩm đầu ra gặp khó khăn, giá cả thị trường biến động, chưa có liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ổn định làm ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất chưa mạnh dạn tham gia thực hiện; đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm chưa được quan tâm, đầu tư xây dựng đúng mức, nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gây sức ép trong tiêu thụ sản phẩm…

Chăm sóc vườn cà phê

Chăm sóc vườn cà phê


Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương, thời gian tới, huyện Hướng Hóa triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, như: Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn hơn, có giá trị cao hơn; tiếp tục thực hiện và quản lý tốt Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè; xây dựng mô hình sản xuất cà phê được cấp giấy chứng nhận 4C, triển khai xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích khoảng 160 ha tại xã Hướng Phùng; thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao tại các xã Hướng Phùng, Tân Hợp, Khe Sanh, Hướng Tân, Hướng Linh, Tân Liên, Tân Lập; tiếp tục thực hiện Đề án chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác như cao su, cây ăn quả đối với các xã vùng Lìa, với diện tích 300 ha; nhân rộng mô hình trồng cây Chanh leo trên địa bàn huyện gắn với liên doanh, liên kết tại các xã: Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập với diện tích 30 ha/năm; đầu tư trồng các loại hoa cây cảnh, rau an toàn, xây dựng mô hình trồng rau, hoa nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nước tại các xã Tân Hợp, Hướng Tân, Tân Lập thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo với quy mô 5000m2; nhân rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò bán canh, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tập trung phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, đồi, kinh tế nông hộ. Tăng cường công tác quản lý giống, tích cực hướng dẫn Nhân dân lựa chọn cây, con giống bảo đảm chất lượng hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc thù của địa phương; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khảo nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến vào sản xuất; khuyến khích các loại hình hợp tác xã sản xuất, chế biến phát huy được những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp thế mạnh của địa phương. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công tác phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, góp phần xây dựng Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay60
  • Tổng lượt truy cập3.119.408