Phóng sự - Huyện Hướng Hóa
Sức sống mới trên chiến trường xưa
(QTO) - Huyện miền núi Hướng Hóa là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc người dân nơi đây đã không tiếc máu xương, công sức để bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình lập lại, truyền thống yêu nước, yêu lao động ấy lại được khơi dậy để chung tay dựng xây cuộc sống mới.
Hướng Hóa những ngày đầu tháng 7 lịch sử, bầu trời xanh trong không chút gợn mây. Bên trong ngôi nhà sàn kiên cố nơi thôn Vây 2, xã Tân Lập, cựu chiến binh Hồ Văn Đường (tên thường gọi là Pả Không, 71 tuổi) đang kể cho con cháu nghe về lịch sử quê hương và không quên dạy cháu con phải siêng năng học tập, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội. Là người từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hơn ai hết, ông Đường hiểu rõ và trân quý những ngày tháng hòa bình, ấm êm, vui vầy bên gia đình. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ký ức về những ngày sục sôi đánh Mỹ, giải phóng quê hương vẫn còn in đậm trong ông...
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Hướng Hóa trở thành vùng địa đầu của miền Nam, tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vùng giải phóng hạ Lào. Nhận thấy Hướng Hóa là cửa ngõ hành lang chiến lược của cả nước, Mỹngụy đã tập trung một lực lượng quân sự khá lớn nhằm tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ, lập hàng rào điện tử Mcnamara, trang bị nhiều vũ khí hiện đại như máy bay B52, pháo hạng nặng 175mm, chất độc da cam, thiết bị nghe nhìn điện tử... Chúng dồn vào Khe Sanh và trên tuyến Đường 9 một đội quân hùng hậu. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba “mắt thần” của hàng rào điện tử Mcnamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn.
Đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây sắn để nâng cao thu nhập - Ảnh: T.T
Trước tình hình đó, chủ trương Đảng ta đặt ra là, xây dựng miền núi khu Trị - Thiên trở thành căn cứ cách mạng của chiến trường miền Nam, trong đó Hướng Hóa là địa bàn chiến lược quan trọng của mặt trận Trị Thiên-Huế, đảm nhận nhiệm vụ đánh địch, giam chân địch tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường miền Nam tiêu diệt địch. Địa bàn Hướng Hóa nằm trong tổng thể chiến lược cách mạng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Hướng Hóa sẽ giữ được nhịp cầu thông suốt trong hành lang chiến lược của cả nước, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Vì thế, Nhân dân và lực lượng vũ trang Hướng Hóa sẵn sàng đăng ký tham gia trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các mặt trận. Đảng bộ và Nhân dân Hướng Hóa chung sức, chung lòng sát cánh cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Quảng Trị đã anh dũng, chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc mà tiêu biểu nhất là chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa ngày 9/7/1968.
Sau ngày đất nước được độc lập thống nhất, Hướng Hóa cùng Nhân dân trong tỉnh và cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng từ đây, huyện Hướng Hóa tiếp nhận hàng nghìn người dân ở huyện Triệu Phong lên xây dựng vùng kinh tế mới. Trong gian khó, đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, Kinh đã đoàn kết, cùng chung lưng đấu cật để xây dựng cuộc sống mới ngay trên chiến trường xưa...
Năm 1979, cũng như nhiều đồng đội khác, thương binh hạng 4/4 Hồ Văn Đường rời quân ngũ, trở về quê nhà ở xã Húc. Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với cuộc vận động định canh, định cư, tách hộ lập vườn, ông Đường quyết định cùng vợ con rời bản làng, đến khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất mới, nằm cạnh dòng suối La La. Đó là thôn Vây 2 bây giờ. “Trong quá trình đi bộ đội, tôi nhận thấy đất đai nơi đây rất tốt, phù hợp để trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, sau khi xuất ngũ, tôi muốn quay lại nơi này để dựng nhà, sinh sống. Ban đầu, đây chỉ là một vùng đất hoang vu, không một bóng người. Lúc bấy giờ còn sức trẻ và lòng quyết tâm nên tôi ngày đêm phạt lau sậy, vỡ đất trồng cây. Những mảnh ruộng, rừng cây dần hiện rõ hình hài. Qua thời gian, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn, nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa có đất ở cũng tề tựu về đây dựng nhà, lập nghiệp. Thôn Vây 2 từ đó ra đời. Hiện nay, giao thông đã thuận tiện, đời sống người dân trong thôn cũng khấm khá hơn trước nhiều”, ông Đường chia sẻ.
Trên chiến trường xưa - Ảnh: T.T
Nhờ đức tính cần cù, chịu khó và có tư duy làm ăn tiến bộ nên kinh tế của gia đình cựu chiến binh Hồ Văn Đường có thể nói là vững nhất trong thôn. Ông có 3 người con trai thì cả 3 người đều khá giả, gia đình hạnh phúc. Hiện tại, gia đình ông Đường có 2 ha lúa nước, 7 ha vườn đồi, 1 hồ cá nước ngọt diện tích 800 m2 , đàn bò 15 con và 1 con trâu. Ngoài ra, nhà ông còn có nhiều máy móc cơ giới phục vụ sản xuất... Không chỉ mạnh dạn làm ăn phát triển kinh tế, ông Đường còn luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Với vai trò là già làng, người có uy tín, ông vận động người dân trong thôn không sa vào tệ nạn, chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của thôn Vây 2 ngày càng được nâng cao.
Được biết, dọc dài các bản làng biên giới huyện Hướng Hóa, còn có rất nhiều tấm gương vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống. Nhờ thay đổi tập quán sản xuất, phát, đốt, cốt trỉa với các công cụ thô sơ, người dân đã biết dùng máy móc cơ giới nên diện tích, năng suất đều tăng mạnh. Phong trào trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp được đẩy mạnh cùng với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác nên các loại cây công nghiệp tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng.
Bằng sự nỗ lực và ý chí phấn đấu, huyện Hướng Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt cao, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng. Nhiều tiềm năng, lợi thế của huyện đã và đang được khai thác hiệu quả. Huyện đã tiến hành quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, tinh bột sắn… Việc đầu tư phát triển kinh tế trang trại đã khai thác và sử dụng có hiệu quả về đất đai, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần quan trọng trong việc tăng tỉ lệ hộ giàu trên địa bàn.
Với sự đoàn kết, chung sức chung lòng của Đảng bộ và Nhân dân Hướng Hóa, tin rằng thời gian tới huyện sẽ đạt được nhiều kết quả nổi bật hơn nữa để xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp trên mảnh đất từng là chiến trường xưa.
Trần Tuyền
Ý kiến bạn đọc
-
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang kiểm tra thực địa các dự án điện gió triển khai trên địa bàn huyện Hướng Hoá
(03/04/2022) -
Vợ chồng đồng lòng để thoát nghèo bền vững
(03/04/2022) -
Hồ Văn Khưa - Chủ tịch Hội Nông dân nói được, làm được
(07/07/2022) -
Từ 19 giờ 00 phút ngày 07/7/2021 giãn cách xã hội một số khối ở thị trấn Khe Sanh
(02/04/2022) -
Khởi công xây dựng Trường Mầm non Hướng Linh
(03/04/2022) -
Xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê Khe Sanh
(03/04/2022) -
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa: Phát động phong trào “Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện nói không với thuốc lá”
(02/04/2022) -
Khảo sát xây dựng mô hình homestay tại thôn Chênh Vênh
(03/04/2022) -
UBND huyện Hướng Hoá: Khen thưởng lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng người Lào vận chuyển trái phép 38.000 viên ma tuý
(02/04/2022) -
Thành công với mô hình kinh tế tổng hợp
(03/04/2022)
- Đang truy cập1
- Hôm nay104
- Tổng lượt truy cập3.119.452