Phóng sự - Huyện Hướng Hóa

 

Hướng Hóa chủ động phòng, chống thiên tai

21/10/2022 1057 0

(QTO) - Theo dự báo, tình hình mưa bão, lũ lụt năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng tránh, ứng phó, huyện Hướng Hóa đã xây dựng phương án, dự kiến một số tình huống có thể xảy ra, xác định vùng trọng điểm có thể ngập úng, lũ quét, sạt lở đất… để sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn.

Người dân thôn Thuận 1, xã Thuận chuẩn bị nước sạch đóng chai để đề phòng mưa lũ xảy ra dài ngày - Ảnh: L.A

Các đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, nước sông Sê Pôn dâng cao gần 2m làm hư hỏng tài sản và cuốn trôi gia súc, gia cầm của nhiều gia đình người dân. Do vậy ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, toàn bộ những vật dụng thiết yếu đã được ông Hồ Văn Hùng ở tại thôn Thuận 1, xã Thuận đưa lên cất giữ trên nhà sàn. Theo ông Hùng, do nằm dọc theo bờ sông Sê Pôn nên hằng năm cứ vào mùa mưa bão, khi nước sông dâng cao là khu vực nhà ông đều bị ngập sâu, cô lập với các hộ còn lại trong thôn. Do vậy, ngoài đưa tài sản lên cao, ông còn chằng néo lại nhà cửa, dự trữ đầy đủ lương thực, nước uống.

 

“Khi nước sông bắt đầu dâng lên là tôi sơ tán vợ con đến nơi an toàn, còn mình tôi sẽ ở lại để giữ tài sản của gia đình”, ông Hùng cho biết thêm.

 

Bà Trần Thị Thuyết, Bí thư Chi bộ thôn Thuận 1 cho biết, thôn Thuận 1 có hơn 140 hộ thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi ngập úng, sạt lở đất khi mùa mưa lũ về, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là 24 hộ ở dọc theo bờ sông Sê Pôn. Do vậy hằng năm trước mùa mưa lũ, các hộ dân trong thôn đều chuẩn bị sẵn sàng kê cao đồ đạc, tài sản của gia đình; chủ động dự trữ lương thực, nước sạch đủ dùng trong 10 ngày; chuẩn bị áo mưa, đèn pin, thuốc men… để ứng phó với trường hợp nước lũ dâng cao, chia cắt. “Riêng đối với 24 hộ ở xóm dọc bờ sông, căn cứ vào tình hình mưa lũ chúng tôi đã có phương án sơ tán và bảo vệ tài sản cho người dân”, bà Thuyết cho hay.

 

Do địa hình đồi núi, sườn dốc, nhiều khe suối bao bọc, địa bàn có nhiều cầu cống nhỏ nên vào mùa mưa bão, trong tổng số 8 thôn, bản của xã Thuận có 5 thôn thường xuyên bị ngập lụt gồm các thôn Thuận 1, Thuận 2, Thuận 3, Thuận 4, Thuận 5. Đặc biệt, do có sông Sê Pôn chảy qua nên mực nước sông, suối dâng cao với cường suất lớn gây ngập lụt và tạo nhiều dòng chảy nguy hiểm trên diện rộng làm chia cắt các thôn, bản, đường giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhân dân và khó khăn cho lực lượng cứu nạn tiếp cận.

 

Từ thực trạng đó, trước mùa mưa bão năm nay, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, bản trên địa bàn xã chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng, bố trí phương tiện sát đúng với tình hình để sẵn sàng ứng cứu, di dời người, tài sản khi có thiên tai xảy ra. Chuẩn bị địa điểm sơ tán là nhà cộng đồng thôn, trụ sở UBND xã, Đồn Biên phòng Thuận, trạm y tế xã và các nơi trú tránh an toàn khác đủ để tiếp nhận số người dự kiến sơ tán, di dời trong thời gian xảy ra sự cố thiên tai.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hồ Văn Pườm thông tin, quán triệt phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh làm chính”, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, bản vận động người dân dự trữ lương thực, nước sạch; xây dựng lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của từng thôn với quân số từ 10 - 12 người; đăng ký, quản lý thuyền bè và các phương tiện cứu hộ sẵn có trong Nhân dân để sẵn sàng tham gia ứng cứu cho các thôn khi có lệnh điều động. Các phương án đảm bảo an ninh trật tự, sức khỏe cho người dân cũng được xây dựng chu đáo.

 

“Hằng năm, địa phương đều xây dựng phương án PCTT&TKCN phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương, trong đó có dự kiến một số tình huống có thể xảy ra và biện pháp ứng phó. Qua đó nâng cao khả năng tổ chức chỉ đạo, điều hành cấp xã; chủ động, đề phòng, đối phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra, giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống thiên tai”, ông Pườm thông tin thêm.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, hiện nay đã bắt đầu bước vào thời gian cao điểm mùa mưa bão. Dự báo tình hình mưa bão, lũ lụt năm 2022 và trong thời gian tới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng tránh và ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều dự án điện gió thi công trên địa bàn, nguy cơ xảy ra sạt lở đất do việc giải phóng mặt bằng, xẻ ta luy, làm đường công vụ, thanh thải đất đá, san lấp bãi thải gây tắc nghẽn dòng chảy có nguy cơ làm mất an toàn cho các khu dân cư, bồi lấp đất sản xuất của người dân, cũng như việc thay đổi dòng chảy có khả năng gây ra lũ ống, lũ quét mới so với các tình huống đã xảy ra trước đây.

 

Huyện Hướng Hóa đã xây dựng phương án PCTT&TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để triển khai ứng phó khi có tình huống nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Chú trọng phương án di dời, sơ tán tại các khu dân cư ven sông, suối; khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức kiểm tra an toàn nơi ở của người dân ở những nơi nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; các khe, suối; các đập tạm, cống qua đường giao thông, hồ ao nuôi trồng thủy sản phía trên khu dân cư để kịp thời phát hiện xử lý vật cản trên các dòng chảy, tránh gây tắc nghẽn tạo lũ ống, lũ quét.

 

Chỉ đạo công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập nhỏ, xung yếu; phát hiện, xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố và xây dựng, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình cũng như khu vực hạ du, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp. Triển khai lực lượng kiểm tra, phát hiện và xử lý những điểm bị tắc nghẽn trên các suối; nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước.

 

Huyện cũng yêu cầu các chủ dự án điện gió rà soát tại tất cả các bãi thải để có phương án gia cố, trồng cây nhằm tránh gây vùi lấp đất sản xuất và ruộng lúa của người dân. Khắc phục, sửa chữa và gia cố các mái ta luy, xử lý các vị trí có nguy cơ bị sạt lở. Đồng thời, xây dựng phương án, thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN của công ty, đơn vị nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.

 

Lê An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập2
  • Hôm nay118
  • Tổng lượt truy cập3.115.021