Phóng sự - Huyện Hướng Hóa

 

Phát động trồng cây xanh bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực triển khai các dự án điện gió và triển khai phòng, chống thiên tai, sạt lở đất khu vực miền núi

02/04/2022 1096 0

Sáng ngày 23/8/2021, tại thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ phát động trồng cây xanh bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực triển khai các dự án điện gió. Dự lễ phát động có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa và Đakrông và các xã, thị trấn liên quan.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trồng cây xanh ở vùng điện gió

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế - xã hội, đời sống sản xuất của Nhân dân trên bàn tỉnh Quảng Trị và hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị phát động trồng cây xanh trên các trục đường, tuyến hành lang, bãi thải và đất trống, đồi trọc ở các khu vực các dự án điện gió huyện Hướng Hóa, nhằm tăng độ che phủ đất, giữ ổn định môi trường sinh thái trên địa bàn có tác động của quá trình thi công các công trình điện gió, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây nên.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, vấn đề trồng cây xanh bảo vệ môi trường luôn được tỉnh quan tâm. Mỗi năm Quảng Trị trồng mới khoảng 8.000 ha rừng sản xuất tập trung và 2,5 - 3 triệu cây phân tán; duy trì độ che phủ rừng 50%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh hóa. Địa bàn huyện Hướng Hoá tiếp giáp Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, có khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và nhiều quần thể các khu rừng đặc dụng có tính bảo tồn đa dạng sinh học cao cần được bảo vệ. 

Từ năm 2019, tỉnh tập trung phát triển năng lượng điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa, trong quá trình cấp phép đầu tư UBND tỉnh luôn cân nhắc không đưa dự án điện gió chồng lấn vào các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ xung yếu mà chủ yếu tận dụng diện tích rừng sản xuất nghèo kiệt, đất trống đồi trọc để tận dụng các dư địa phát triển trên địa bàn. Việc phát triển kinh tế đảm bảo hài hòa cả 3 mặt "kinh tế - xã hội và môi trường". Bên cạnh sự tác động, ảnh hưởng khó lường của biến đổi khí hậu, quá trình phát triển kinh tế - xã hội không tránh khỏi xung đột với vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy, tỉnh kêu gọi các chủ dự án điện gió tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương trong tỉnh hưởng ứng đóng góp và lựa chọn những bộ cây bản địa có giá trị về mặt sinh thái, đồng thời có sức chống chịu, thích ứng với biến đổi khí, phát triển bền vững lâu dài, quá trình trồng cây xanh có thể nghiên cứu trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế, cải thiện sinh kế cho người dân, tạo thêm vành đai xanh bảo vệ khu vực điện gió. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong rằng, sau đợt phát động, phong trào trồng cây xanh trên địa bàn huyện Hướng Hóa nói chung và các công trình điện gió nói riêng sẽ lan tỏa, sớm phủ xanh, trả lại hệ sinh thái trên khu vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng tặng quà cho các hộ ở xã Hướng Tân

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng tặng quà cho các hộ ở xã Hướng Tân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tặng quà cho các hộ dân ở xã hướng Tân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tặng quà cho các hộ dân ở xã Hướng Tân


Nhân lễ phát động trồng cây xanh bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực triển khai các dự án điện gió, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị đã đến dâng hương hoa tại khu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận sạt lở đất tháng 10/2020 tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337; tặng 50 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hướng Tân. 

Sau phát động trồng cây, buổi chiều cùng ngày, tại Hội trường HĐND&UBND huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai, sạt lở đất khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị. 

Hội nghị tập trung đánh giá thực trạng, nhận diện các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi. Theo đó, có 30 xã, thị trấn thuộc 5 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ) là khu vực địa hình tự nhiên có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét; 27 xã, thị trấn thuộc 4 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh) nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng của sạt lở đất đồi, núi. Đặc biệt, qua kiểm tra, rà soát hiện trạng, tình hình thi công tại 26 công trình điện gió đang triển khai thi công trên địa bàn huyện Hướng Hóa cho thấy, các công trình phụ trợ như đường công vụ phục vụ thi công, vận chuyển máy móc thiết bị mà nhà đầu tư thực hiện mở đường, bạt taluy dương, đắp nền đường tạo taluy âm, nhiều vị trí làm mất ổn định mái dốc; thanh thải đất đá làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt; hệ thống thoát nước dọc theo tuyến đường chưa bố trí đầy đủ các cống thoát nước ngang… Đặc biệt, các bãi thải có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy, dễ gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự kiến, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân tại các khu vực lân cận, bồi lấp đất sản xuất của người dân, hư hỏng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, công trình nước sạch miền núi, đường giao thông. Từ nhận định trên, các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá, nhận diện, khoanh vùng 13 thôn, bản, khối phố/7 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông nằm trong phạm vi các dự án điện gió đang thi công có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. 

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân tham luận tại hội nghị

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân tham luận tại hội nghị


Trước diễn biến phức tạp, cực đoan của thiên tai, địa chất, địa hình ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị, cùng với đó nguy cơ mất an toàn khi thiên tai xảy ra từ các dự án điện gió trên địa bàn, hội nghị tập trung bàn giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa những tổn thất về người và tài sản. Về giải pháp công trình, trước mắt, cần xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chống sạt lở đất của các dự án điện gió; xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án điện gió. Về lâu dài, rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi đảm bảo an toàn. Trong đó, đối với các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do tác động của các dự án điện gió thì chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư an toàn trước thiên tai, đồng thời hỗ trợ kinh phí bồi thường cho người dân đến nơi ở mới an toàn. Về giải pháp phi công trình, trước mắt, xây dựng các kịch bản ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định; chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi có các tình huống, sự cố xảy ra. Về lâu dài, lập kế hoạch, phương án và tổ chức trồng rừng thay thế và thu hồi diện tích đất cấp tạm thời sau khi các dự án điện gió đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định. Đồng thời, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn…

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó thiên tai, tình trạng sạt lở đất, lũ quét năm 2021 đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân. Đối với các chủ đầu tư dự án điện gió, nghiêm túc thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời có phương án tổ chức sản xuất bảo đảm an toàn trước và trong thiên tai; có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các bãi thải có nguy cơ sạt lở đất, gia cố bảo đảm ổn định đề phòng sạt, trượt mái taluy đường công vụ trước mùa mưa bão; thực hiện cam kết với địa phương, trong đó khẩn trương hoàn thành các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Sau khi công trình điện gió đi vào vận hành, chủ đầu tư có trách nhiệm phục hồi nguyên trạng diện tích sử dụng tạm thời (đường tạm phục vụ thi công, bãi tập kết vật tư, thiết bị khu vực thi công, lán trại tạm của công nhân và các địa điểm phụ trợ khác) để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. UBND hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, khẩn trương kiểm tra, rà soát, cập nhật các phương án phòng chống thiên tai đã lập và phê duyệt, trong đó đặc biệt chú trọng phương án phòng chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét chi tiết đến cấp thôn/bản. Lập phương án phòng ngừa, ứng cứu trong trường hợp xảy ra sạt lở đất tại các khu vực xây dựng điện gió, xác định, khoanh vùng bị ảnh hưởng, chi tiết đến từng hộ dân và nhân khẩu, có phương án di dời cụ thể, rõ ràng khi xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thiên tai và hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều hình thức để người dân biết và chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để giúp người dân chủ động phòng ngừa; có kế hoạch di dời dân bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán dân khi có mưa lũ lớn xảy ra; tuyên truyền, vận động những hộ dân ở các khu vực nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn, không được chủ quan, lơ là, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng. Tổ chức các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai tại từng thôn bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả ngay từ đầu. Sử dụng có hiệu quả Quỹ trồng cây xanh do các doanh nghiệp ủng hộ để thực hiện trồng rừng, trồng cây trên đất hoàn thổ (trên các mái tatuy đường, các vùng bị san ủi để lấy mặt bằng, các khu vực thi công các công trình phụ trợ...) nhằm tăng cường khả năng phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra…

Các dự án điện gió hỗ trợ huyện 750 triệu đồng để trồng cây xanh

Các dự án điện gió hỗ trợ huyện 750 triệu đồng để trồng cây xanh

Tại hội nghị, UBND tỉnh phát động ủng hộ xây dựng Quỹ trồng cây xanh tại các khu vực thi công các dự án điện gió trên địa bàn huyện miền núi. Hưởng ứng chương trình phát động của tỉnh, có 15 chủ đầu tư 23 dự án điện gió tham gia ủng hộ với số tiền 750 triệu đồng để trồng cây xanh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc
trong công tác phòng, chống thiên tai

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể, 33 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai năm 2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay2666
  • Tổng lượt truy cập3.117.569