Chi tiết bài viết - Huyện Hướng Hóa

 

Hiệu quả vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

29/04/2025 29 0

Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân, nhất là các hộ dân đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng sâu, vùng xa, huyện Hướng Hóa có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.

Từ vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Hồ Văn Đưng ở thôn Thuận 1, xã Thuận vươn lên thoát nghèo từ trồng sắn và chăn nuôi bò

“Đòn bẩy” từ vốn vay

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã bám sát các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy mạnh chính sách tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng, nhất là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, Pa Kô.

Theo đó, đầu năm 2024, anh Hồ Văn Phi ở thôn Ba Lòng, xã Ba Tầng được Hội Nông dân xã bình xét, tín chấp vay vốn NHCSXH huyện với số tiền 100 triệu đồng. Với số vốn này, anh đầu tư mua 2 con bò, 4 con dê giống, thuê máy cày ủi hơn 3 ha đất đồi, trồng sắn nguyên liệu KM94 và trồng tràm bông vàng. Hiện đàn bò của anh đã có 2 con bò mẹ sinh sản lứa đầu tiên và đàn dê phát triển 12 con. Ngoài ra, anh đào ao nuôi cá nước ngọt và sản xuất 0,5 ha ruộng nước. Cuối năm 2024, gia đình anh thu từ tiền bán sắn và tràm bông vàng hơn 100 triệu đồng. 

Anh Phi cho hay, vốn vay từ NHCSXH là nguồn vốn ưu đãi có lãi suất cho vay thấp, thời gian vay dài hạn và không phải tín chấp tài sản như các ngân hàng thương mại nên phù hợp với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ có vốn vay này, mà vợ chồng anh có điều kiện để phát triển kinh tế. Thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, anh đã nuôi con ăn học, xây dựng căn nhà khang trang.

Tương tự, đầu năm 2024, anh Hồ A Đưng ở thôn Thuận 1, xã Thuận, vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa. Với số tiền vay từ NHCSXH và tiền tích cóp của gia đình, vợ chồng anh Đưng đầu tư chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, mua 3 con bò và 4 con dê giống; trồng 2 ha sắn.

Anh Đưng cho biết, trước đây gia đình anh có vay vốn chính sách để đầu tư khai hoang 2ha đất đồi, trồng sắn nguyên liệu KM94 và hằng năm, nhập sắn cho nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá, với số tiền thu được 40 đến 50 triệu đồng. Lần này cũng nhờ có vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm với lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn nên vợ chồng anh có điều kiện để đầu tư chăn nuôi, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt mà anh đã nuôi 3 người con ăn học, thoát nghèo bền vững.

Anh Phi và anh Đưng chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ dân tại huyện Hướng Hóa sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Các mô hình tái canh cây cà phê, trồng sắn nguyên liệu KM94, cây ăn quả, nuôi bò, lợn, dê… đã và đang giúp nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, Pa kô thay đổi cuộc sống, thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.
 
Góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Huyện Hướng Hóa hiện có hơn 100 nghìn dân, bao gồm 3 dân tộc: Kinh, Bru Vân Kiều, Pa Kô, trong đó tỉ lệ đồng bào DTTS chiếm 50,7% dân số, sinh sống hầu hết ở 21 xã, thị trấn trên địa bàn.

Những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa đã triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn đồng bộ, kịp thời nhằm đưa nguồn vốn của ngân hàng đến với người dân sớm và đúng đối tượng. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều người dân mà nhất là các hộ dân đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Kô đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn.
Là một trong 14 xã vùng bản của huyện, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, Chủ tịch UBND xã Thuận, ông Hồ A Dung, cho biết: "Nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa là một trong những kênh tín dụng ưu đãi thiết thực đối với người dân ở địa phương. Nguồn vốn vay không chỉ đa dạng với nhiều chương trình cho vay khác nhau, đáp ứng cho nhiều đối tượng người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó, giúp bà con, nhất là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều trong xã thay đổi nếp nghỉ, cách làm mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình kinh tế như: trồng sắn nguyên liệu KM94, trồng chuối, cao su, cây ăn quả, chăn nuôi bò, lợn, dê đem lại cho người dân nguồn thu nhập cao, ổn định cuộc sống".

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Quân, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa, cho biết: Những năm qua, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo, cận nghèo của huyện.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của đơn vị hơn 828 tỷ đồng, với 11.894 hộ còn dư nợ tại 304 Tổ tiết kiệm và vay vốn; bình quân dư nợ đạt 69,6 triệu đồng/hộ. Trong đó, tổng dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 538 tỷ đồng với 7.429 hộ.
Chỉ tính riêng quý I năm 2025, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, toàn huyện Hướng Hóa đã có 5.374 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, 3.811 hộ tại vùng khó được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh;  xây dựng 2.935 công trình nhà vệ sinh và nước sạch; cho 415 lượt học sinh, sinh viên vay vốn đi học, 2.455 hộ đồng bào DTTS được vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở…
Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi nếp nghỉ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.
 

 

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa tiếp tục chủ động đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Đồng thời, thường xuyên rà soát các đối tượng có nhu cầu vay, đảm bảo 100% các đối tượng đủ điều kiện đều được vay vốn NHCSXH, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Nguyễn Đình Phục
 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1498
  • Tổng lượt truy cập3.650.768