Chi tiết bài viết - Huyện Hướng Hóa

 

Hướng Hóa: Tập trung phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

11:16, Thứ Tư, 3-4-2024 72 0

Trong những năm qua, phát triển lâm nghiệp luôn được huyện Hướng Hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, hàng năm, các xã, thị trấn trong huyện đã tích cực triển khai kế hoạch phát triển lâm nghiệp, trong đó tập trung vào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Nhờ đó, đến nay, độ che phủ rừng luôn giữ được ổn định, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh do bà con dân tộc Vân Kiều quản lý được cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chí FSC

Huyện Hướng Hóa có tổng diện tích tự nhiên hơn 115 nghìn ha, trong đó diện tích đất có rừng hơn 52 nghìn ha, gồm rừng tự nhiên 40.565,69 ha; rừng trồng 10.92,61 ha; đất chưa có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp 16.535,39 ha. Thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho Nhân dân có thu nhập ổn định từ nghề rừng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, triển khai các biện pháp lâm sinh phát triển rừng sản xuất theo quy hoạch, từng bước nâng cao độ che phủ rừng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, Bùi Văn Duẩn, cho biết: Là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm đã tích cực tham mưu cho huyện chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng, chính quyền các xã, thị trấn và các chủ rừng triển khai các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 44,68%.

Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn Ruộng, xã Hướng Tân phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuàn tra bảo vệ rừng

Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng. Trong năm 2023, đã tổ chức 80 hội nghị ở thôn, bản, với 5.525 lượt người tham gia; 20 đợt tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô theo 3 tuyến: Lìa, dọc đường 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; gắn 150 bảng tuyên truyền, 277 áp phích cảnh báo tại khu vực ranh giới rừng tự nhiên, khu vực rừng có nguy cơ xâm hại; phát hàng nghìn tờ rơi cùng nhiều tài liệu phổ biến quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR.

Đồng thời, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện quy định về PCCCR. Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với 15 cộng đồng dân cư thôn gồm 1.066 hộ gia đình sống gần rừng; ký cam kết với 7 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản; kiện toàn 19 Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã, với 296 thành viên; 88 tổ bảo vệ rừng, với 772 thành viên; ký kết 19 quy chế phối hợp giữa Công an, Ban Chỉ huy quân sự, kiểm lâm địa bàn xã; triển khai khoán bảo vệ rừng theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 3 phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, với tồng nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 và vốn năm 2023 là 5.735.000.000 đồng đã giải ngân 2.412.659.000 đồng đạt tỉ lệ 42,07%. Năm 2023, trên địa bàn huyện phát hiện, xử lý 25 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 4 vụ so với năm 2022.

Cập nhật vào dữ liệu ranh giới 3 loại rừng theo Quyết định 717 của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng trị; kiểm tra, cập nhật toàn bộ các diện tích nằm trong vùng chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác của dự án nhà máy điện gió Hải Anh trên địa bàn thị trấn Lao Bảo, xã Tân Thành, xã Hướng Phùng; tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất nương rẫy của Nhân dân, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng.

Thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hướng dẫn các chủ rừng khai thác rừng trồng sản xuất và trồng lại rừng sau khai thác theo đúng quy định. Năm 2023, diện tích khai thác từ rừng trồng tập trung hơn 44 nghìn m3 gỗ, khai thác gỗ từ cây vườn nhà, cây trồng phân tán 5.430 m3 gỗ, 43.000 kg vỏ bời lời. Thực hiện trồng mới 691,51 ha rừng tập trung và 11 vạn cây phân tán. Phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh kiểm tra, điều chỉnh cơ sở dữ liệu sau kết quả kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn 9 xã, với số tiền hơn 8,5 tỉ đồng và hướng dẫn các chủ rừng sử dụng tiền được chi trả đúng mục đích, hiệu quả, phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng. 

Du khách đến tham quan trải nghiệm rừng cộng đồng do bà con dân tộc Vân Kiều thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng quản lý

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trên địa bàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa Bùi Văn Duẩn cho biết, thời gian đến, huyện tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản mới ban hành; tiến hành kiểm tra, xác minh và cập nhật diễn biến rừng đối với các diện tích rừng, đất rừng có biến động; thực hiện tốt việc giao rừng cho cộng đồng dân cư theo kế hoạch giao rừng đã được phê duyệt và tiếp tục xây dựng kế hoạch giao rừng đồng bộ với giao đất năm 2025; quy chủ rừng với những diện tích chưa xác định được chủ nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý rừng; kiểm tra chặt chẽ các dự án liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng trên địa bàn; chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm cháy rừng, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo các diện tích rừng tự nhiên được khoán bảo vệ hiệu quả; đấu tranh ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng; giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh, xâm lấn đất rừng, chồng lấn rừng, tiếp tục theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, quản lý đầu tư và hướng dẫn triển khai các dự án phát triển lâm nghiệp, tạo sinh kế lâu dài, nâng cao thu nhập cho người dân từ nghề rừng.

Nguyễn Đình Phục
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay920
  • Tổng lượt truy cập2.871.356