Phóng sự - Huyện Hướng Hóa
Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 3: Kỳ vọng vào ngành công nghiệp năng lượng
(QTO) - Để phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung thì không chỉ phát triển điện gió mà tỉnh Quảng Trị còn chú trọng phát triển các nguồn năng lượng khác như điện mặt trời, điện khí... Bên cạnh đó, các địa phương có dự án cũng hướng đến các mô hình sinh kế bền vững sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, để các công trình năng lượng trên địa bàn không chỉ góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương mà còn thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, giải quyết việc làm, đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế - xã hội.
Năng lượng là lĩnh vực đột phá
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, nhất là năng lượng tái tạo. Tổng công suất phát điện cuối nhiệm kỳ đạt 377 MW, tăng gấp 3,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến năm 2030.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 53 dự án nguồn điện được quy hoạch với tổng công suất 4.747 MW (trong đó 15 dự án với tổng công suất 377 MW đã đưa vào vận hành, 38 dự án với tổng công suất 4.370 MW đang triển khai đầu tư). Muốn trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đạt quy mô công suất khoảng từ 8.000 MW đến 10.000 MW, trong đó dự kiến đến năm 2025 đạt công suất phát điện trên 3.000 MW.
Tấp nập những công trình điện gió ở vùng Tây Quảng Trị - Ảnh: H.N
Để đạt được quy mô công suất trên, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã đề xuất Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch trên 70 dự án năng lượng với tổng công suất khoảng 10.700 MW, trong đó có 53 dự án điện gió với tổng công suất trên 2.853 MW. Mặc dù phát triển kinh tế địa phương nhưng với ngành năng lượng bắt buộc phải có trong quy hoạch sơ đồ điện lực quốc gia của Chính phủ để đảm bảo cân bằng nhu cầu phụ tải toàn quốc do đặc thù ngành điện là “sản xuất gắn liền với tiêu thụ chứ không thể cất kho dự trữ”. Như vậy, những dự án này nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì việc Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030 sẽ sớm trở thành hiện thực.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng, Trưởng Ban chỉ đạo các dự án động lực của tỉnh, để có đầy đủ cơ sở phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung, UBND tỉnh rà soát lại các dự án năng lượng dự kiến đề xuất Bộ Công thương xem xét đưa vào tổng sơ đồ Quy hoạch điện VIII, đảm bảo đến năm 2030 tỉnh Quảng Trị phải có tổng công suất đưa vào sơ đồ quy hoạch điện quốc gia ít nhất 10.000 MW; đầu tư dự án Trạm 500kV Lao Bảo và đường dây 500kV Đông Hà - Lao Bảo để giải tỏa hết công suất của các dự án năng lượng trên địa bàn trong tương lai. Từ cơ sở trung ương phê duyệt, tỉnh sẽ xây dựng quy hoạch cụ thể về phát triển năng lượng của tỉnh để tính toán lựa chọn nhà đầu tư có năng lực cho giai đoạn tiếp theo. Lập đề án giải quyết các vần đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, đánh giá tác động môi trường, giải quyết sinh kế cho người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, vấn đề kết nối giao thông… tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút nhà đầu tư vào các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Kết nối các vùng phát triển điện năng
Song song với các công trình điện gió ở phía Tây, tỉnh Quảng Trị bắt đầu khởi động những dự án năng lượng có quy mô lớn ở trục phía Đông với các dự án điện khí và điện mặt trời. Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có 3 dự án điện mặt trời với công suất 149,5 MWp đã hoàn thành phát điện thương mại. Đặc biệt, có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, trong đó dự án Nhà máy điện khí 340 MW của Gazprom đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch và chỉ định nhà đầu tư; Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 với công suất 1.500 MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có tính đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Quảng Trị sẽ xây dựng nhà máy điện độc lập tại xã Hải An và Hải Ba của huyện Hải Lăng trên tổng diện tích hơn 140 ha với quy mô 4.500 MW có tổng mức đầu tư 4,5 tỉ USD.
Trước mắt, giai đoạn 1 của nhà máy có công suất 1.500 MW. Dự kiến, thời gian khởi công nhà máy vào đầu năm 2023, phấn đấu đưa vào hoạt động khoảng từ năm 2026 - 2027. Theo tính toán, 1 MW điện sẽ thu về cho ngân sách khoảng 1 tỉ đồng. Với quy mô giai đoạn 1 của nhà máy là 1.500 MW, tỉnh thu về khoảng 1.500 tỉ đồng/năm. Như vậy, chỉ riêng dự án Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 nếu đi vào hoạt động sẽ bằng công suất của hàng chục dự án điện gió cộng lại. Khát vọng này càng trở nên hiện hữu khi đề xuất đưa khí từ mỏ Kèn Bầu tiếp bờ Quảng Trị đang được trung ương và nhà đầu tư ủng hộ.
Điện mặt trời ở vùng Đông Quảng Trị - Ảnh: M.L
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, Quảng Trị hội tụ nhiều điều kiện tốt để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ là bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần “thay áo mới” cho nền kinh tế của tỉnh giai đoạn tiếp theo với tính toán ngành năng lượng điện sẽ đóng góp từ 30% - 40% ngân sách địa phương. Đây sẽ là nguồn thu rất có ý nghĩa cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai gần.
Với quyết tâm rất lớn, thời gian qua cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc rất tích cực để hỗ trợ nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án năng lượng, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện khí. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng đã có các buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khai thác hết tiềm năng của địa phương.
Hướng đến sinh kế bền vững
Bên cạnh việc góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, các dự án năng lượng trên địa bàn còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương nơi có dự án cũng như sự nỗ lực của mỗi người dân.
Việc có nhiều dự án đầu tư vào Quảng Trị sẽ giúp cho thị trường việc làm phát triển và đây là cơ hội để lao động địa phương thuận lợi trong tìm việc làm với nhiều ngành nghề tuyển dụng hơn. Hầu hết, các dự án đều cam kết tuyển dụng lao động địa phương nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sang giai đoạn vận hành, tiêu chí tuyển dụng lao động cho các dự án sẽ được nâng lên, đòi hỏi lao động phải có trình độ, tay nghề và phù hợp với ngành nghề tuyển dụng. Thực tế này đặt ra vấn đề địa phương cần đi trước, đón đầu cơ hội để tạo việc làm cho lao động tại chỗ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, việc tuyển dụng lao động kỹ thuật trong giai đoạn vận hành của các dự án điện gió yêu cầu công nhân có tay nghề cao, trong khi đó, nguồn lao động có tay nghề về cơ khí điện tử, điện, nhiệt điện, vận hành, kỹ thuật điện trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn thiếu. Để đào tạo đội ngũ lao động tại địa phương có trình độ, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, chính quyền địa phương đã đề ra các giải pháp trước mắt như: Có cơ chế làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án để biết nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, qua đó mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho lao động địa phương trong vùng dự án. Chú trọng tuyên truyền, vận động người lao động tích cực học nghề nhằm nâng cao trình độ, đồng thời có chính sách miễn, giảm học phí trong đào tạo nghề cho người lao động trong vùng dự án thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện một số dự án điện gió ở Hướng Hóa có cách làm hay, đó là tuyển dụng lao động đủ điều kiện, sau đó hỗ trợ kinh phí cho đi học việc tại các dự án điện gió đã đi vào hoạt động. Đây là cách nhanh nhất giúp người lao động tiếp cận với công việc của mình, cũng như tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này. Nhiều chủ đầu tư dự án điện gió cam kết với địa phương tạo hướng mở trong phát triển kinh tế cho bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch. Huyện Hướng Hóa trong những năm gần đây chú trọng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Sau khi “cánh đồng điện gió” hoàn thành, khu vực một số xã phía Bắc và phía Nam sẽ trở thành điểm đến của nhiều du khách. Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch hỗ trợ nhà ở và giếng nước cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hướng Linh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ hỗ trợ triển khai các mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng và hướng dẫn người dân kinh doanh homestay”.
Dự án Hỗ trợ đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2020-2021, định hướng đến 2025 của huyện Hải Lăng đặt ra mục tiêu đào tạo đội ngũ lao động đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, có kỹ năng tay nghề cao và tác phong lao động công nghiệp phục vụ các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án năng lượng trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2021 sẽ đào tạo nghề chất lượng cao cho 360 lao động, trong đó nhóm ngành, nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp 240 người; nhóm ngành, nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp 120 người. Giai đoạn 2022 - 2025, con số lao động được đào tạo nghề chất lượng cao tăng lên 1.260 người, trong đó nhóm ngành, nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp 870 người.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện đưa ra nhiều giải pháp như liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo lao động địa phương; có chính sách hỗ trợ chi phí học nghề trình độ trung cấp với mức tối đa 4 triệu đồng/ người/khóa học đối với thân nhân người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số; 3 triệu đồng/người/khóa đối với lao động nông thôn còn lại. Lao động sau khi học nghề được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, cho biết: “Để tạo điều kiện cho lao động địa phương được tuyển dụng vào các dự án trên địa bàn, trong đó có các dự án năng lượng, chúng tôi xây dựng mô hình hợp tác 3 bên: UBND huyện - Doanh nghiệp - Cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cường công tác đào tạo gắn với tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm sau đào tạo. Đồng thời hạn chế thấp nhất lao động qua đào tạo không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, dẫn đến thất nghiệp và lãng phí nguồn ngân sách cho đào tạo”.
Mai Lâm - Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc
-
Triển khai nhiệm vụ diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã năm 2021
(02/04/2022) -
Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 2: Gỡ khó cho các dự án điện gió
(03/04/2022) -
Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 1: Khi điện gió về bản
(03/04/2022) -
Hướng Hoá phối hợp trao tặng bò cái sinh sản cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và mô hình “Dân vận khéo” tại thôn Trùm, xã Ba Tầng
(03/04/2022) -
Chiến sĩ dân quân bị rắn cắn khi tuần tra vẫn xung phong tiếp tục chống dịch
(02/04/2022) -
Chi cục Thuế huyện Hướng Hóa: Nỗ lực vượt bậc trong công tác thu ngân sách
(03/04/2022) -
Kiểm tra công tác SSCĐ bảo vệ an toàn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
(02/04/2022) -
Lực lượng vũ trang Hướng Hóa “Chung sức” chặn dịch Covid-19 từ biên cương
(02/04/2022) -
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa: Kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm chốt.
(02/04/2022) -
hát động đợt thi đua cao điểm chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
(02/04/2022)
- Đang truy cập3
- Hôm nay147
- Tổng lượt truy cập3.119.495