Chi tiết bài viết - Huyện Hướng Hóa
Hiệu quả từ việc trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng
Những năm gần đây, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Tại huyện miền núi Hướng Hóa, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây đang đem lại hiệu quả, mở ra nhiều triển vọng.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân
Năm 2023, Tổ hợp tác của HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây Bắc Hướng Hóa (HTX Chân Mây) đã liên kết với Công ty TNHH Minh Khánh, tỉnh Gia Lai trồng và tiêu thụ sản phẩm nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng (keo lai) và rừng tự nhiên tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.
Theo đó, các đơn vị đã trồng thử nghiệm 4.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1000m2. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nhựa của lá keo rụng xuống tiết ra một lượng đạm, tạo môi trường cho đất nuôi phôi, do đó nấm linh chi đỏ sinh trưởng nhanh; kích thước, trọng lượng tương đối lớn.
Là một trong 7 hộ dân trực tiếp tham gia mô hình trồng nấm linh chi đỏ, ông Phan Văn Tự, ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi mô hình trồng nấm linh chi đỏ đầu tiên của HTX đã bước đầu thành công. Việc chăm sóc phôi nấm linh chi đỏ khá đơn giản, chúng sinh trưởng tốt dưới tán rừng keo, đem lại giá trị kinh tế cao. Với 2000 phôi của tổ hợp tác chúng tôi trồng đã cho thu hoạch 3 đợt được 3,6 tạ, công ty thu mua với giá tươi 600.000 đồng/kg, số tiền thu được hơn 200 triệu đồng.”
Ông Hồ Chiến, người dân tộc Bru Vân Kiều, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng là một trong 9 hộ dân tham gia trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của HTX Chân Mây cho biết, nấm linh chi rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Sau khi xuống giống, người trồng chỉ cần kiểm tra độ ẩm của đất, không cần bón phân vì ban đầu cây mô đã cấy dưỡng chất, nếu mùa khô thì phải tưới nước phù hợp để giữ ẩm. Phôi nấm linh chi trồng một lần nhưng cho thu hoạch cả năm. Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng rất phù hợp để phát triển kinh tế, nhất là tạo sinh kế gắn bó với mô hình nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng của bà con dân tộc Bru Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng và tăng thu nhập cho bà con dân bản.
Nhân rộng mô hình
Nấm linh chi đỏ từ xưa đã được biết đến là một trong những loại dược liệu quý với nhiều công dụng như: ổn định huyết áp; cân bằng chỉ số cholesterol; hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch; giảm căng thẳng, mệt mỏi; tăng cường chức năng cho thận, gan, tạo hệ thống miễn dịch... Loại nấm này có thể sử dụng tươi, khô hoặc có thể nghiền để làm thức ăn hoặc dược liệu.
Ngoài việc mang lại nguồn cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, sau khi khai thác nấm linh chi đỏ thì rễ cây tự hoại trong đất trở thành nguồn phân bón dinh dưỡng hữu cơ tốt, góp phần bảo vệ đất, nguồn nước và môi trường.
Mặt khác, theo các chuyên gia, trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng (keo lai) làm gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc nấm làm tăng độ ẩm, hỗ trợ cây keo sinh trưởng phát triển nhanh hơn, tăng khối lượng. Giá bán keo tới tuổi khai thác khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha. Cộng thêm tiền bán nấm linh chi thì thu nhập sẽ tăng cao hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát, ông Lê Phước Hiệp cho biết: “Để trồng thành công mô hình nấm linh chi đỏ, chúng tôi đã nhiều lần tiến hành khảo sát, kiểm tra kỹ các điều kiện từ nước, thời tiết, khí hậu, đất đai... Quá trình trồng nấm không quá phức tạp, chỉ cần tưới đủ nước, làm cỏ thường xuyên. Trồng nấm linh chi đỏ không những giúp tái tạo môi trường đất, bảo vệ rừng mà quan trọng hơn cả là đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhất là đồng bào Bru Vân Kiều ở các thôn bản”.
Tuy quá trình chăm sóc nấm đơn giản song điều kiện đặt ra là những địa điểm trồng phải phù hợp cho sự sinh trưởng của nấm linh chi đỏ với độ che phủ rừng 80% trở lên, nhiệt độ không khí 15 - 20 độ C. Ông Lê Phước Hiệp cho biết thêm, hiện nay, HTX đang tiếp tục tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị cung cấp giống chất lượng, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo cho các hộ dân có nhu cầu trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng.
“Chúng tôi nhận thấy loại dược liệu quý này mang lại lợi nhuận cao, nhu cầu thị trường cũng rất lớn. Năm nay, HTX sẽ tiếp tục trồng 5.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 600m2 dưới tán rừng trồng (keo lai). Qua đó sẽ góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, nhất là đồng bào Bru Vân Kiều ở các thôn bản”, ông Hiệp cho hay.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chân Mây, ông Lê Đình Phức cho biết, năm nay HTX thực hiện trồng 5.000 phôi nấm linh chi đỏ (Phôi giống HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Minh Khánh, tỉnh Gia Lai cung ứng) trên diện tích 600m2 dưới tán rừng trồng (keo lai) tại thôn Chênh Vênh và dưới tán cà phê mít tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng. Hiện nay, các hộ dân đồng bào dân tộc Vân kiều đã hoàn tất khâu làm đất và đã xuống giống vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Nguyễn Đình Phục
Ý kiến bạn đọc
-
Cà phê mít được mùa, được giá: Niềm vui lớn của đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Kô
(28/03/2025) -
Nữ Giám đốc tiên phong đưa cà phê Khe Sanh ra thế giới
(11/03/2025) -
Hướng Hóa hỗ trợ hơn 376 triệu đồng cho 56 hộ cải tạo vườn tạp
(19/12/2024) -
Thư mời báo giá chế phẩm dinh dưỡng
(25/10/2024) -
Hướng Hóa: Cấp hơn 330 nghìn cây giống cà phê chè catimor để tái canh cây cà phê năm 2024
(19/09/2024) -
Thư mời báo giá chế phẩm dinh dưỡng
(07/09/2024) -
Hơn 1,3 tỉ đồng thực hiện Liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh leo ở Hướng Hóa
(15/07/2024) -
Hướng Hóa phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững
(21/05/2024) -
Tiếp tục gỡ khó cho cây chuối ở Hướng Hóa
(20/03/2024) -
Nông dân Hướng Hóa tập trung chăm sóc lúa đông xuân
(23/02/2024)
- Đang truy cập1
- Hôm nay1132
- Tổng lượt truy cập3.633.473