Phóng sự - Huyện Hướng Hóa

 

Ứng dụng công nghệ sấy lạnh trong chế biến chuối

10:58, Thứ Sáu, 28-10-2022 1568 0

(QTO) - Là địa phương có thế mạnh về đất đỏ ba dan và các tiểu vùng khí hậu mát mẻ, Hướng Hóa đã phát triển được nhiều nông sản đặc trưng, trong đó có cây chuối, mang lại thu nhập tốt cho người dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều nông sản khác, việc tiêu thụ chuối tươi nhiều lúc chưa ổn định. Do đó, việc chế biến chuối sấy nhằm đa dạng hóa sản phẩm để đảm bảo đầu ra sản phẩm đã được người dân chú trọng. Nhằm giúp cho người dân ứng dụng công nghệ sấy chuối hiệu quả nhất, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chuyển giao quy trình và hướng dẫn công nghệ sấy bơm nhiệt (sấy lạnh) cho sản phẩm chuối sấy dẻo tại Nhà máy chế biến nông lâm sản Toàn Cầu, Công ty TNHH MTV Khương Tuyển (Công ty Khương Tuyển), thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.

Công nhân Nhà máy chế biến nông lâm sản Toàn Cầu thu sản phẩm chuối dẻo sau khi sấy lạnh - Ảnh: T.C.L

Những năm qua, cây chuối mật mốc đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Với lợi thế về đất đai và khí hậu nên sản phẩm chuối tươi vùng này có chất lượng tốt, thơm, ngon, năng suất cao. Chuối quả ở Hướng Hóa xuất bán đi khắp nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc xuất bán chuối quả tươi phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là vấn đề bảo quản và vận chuyển.

 

Mặt khác, thị trường tiêu thụ chuối tươi bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, Thái Lan nên có lúc giá chuối giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg nên người dân nhiều lúc không muốn sản xuất, thậm chí không thu hoạch chuối chín tại vườn. Tính đến năm 2021, diện tích trồng chuối của huyện Hướng Hóa đạt gần 4.000 ha với sản lượng chuối đạt khoảng 60.500 tấn quả tươi. Để nâng cao giá trị sản phẩm này, việc chế biến chuối sau thu hoạch tạo ra sản phẩm đa dạng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng là hướng được tính đến để phát triển chuối bền vững hơn.

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Sở KH&CN đã chuyển giao quy trình và hướng dẫn nhân rộng công nghệ sấy bơm nhiệt để chế biến chuối sấy dẻo với dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến để chế biến và bảo quản nâng cao giá trị chuối quả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Công ty Khương Tuyển là đơn vị được hưởng lợi từ dự án. Kỹ sư Trần Ngọc Tuấn, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ, Sở KH&CN cho biết: Kỹ thuật sấy lạnh là một trong những kỹ thuật tiên tiến.

 

So với nhiều phương pháp sấy khác, sấy lạnh là một phương pháp có thể đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe như: hình dáng, kích thước, màu sắc, mùi vị, thành phần dinh dưỡng và rút ngắn được thời gian sấy một cách đáng kể. Dự án lựa chọn và lắp đặt hệ thống sấy lạnh, giá thành hợp lý đảm bảo các thông số kỹ thuật về dải nhiệt độ sấy, khả năng tuần hoàn gió, khả năng tự động hóa điều chỉnh các chế độ một cách linh động... Công nghệ sấy này tiết kiệm năng lượng, không sử dụng năng lượng hóa thạch giúp bảo vệ môi trường.

 

Trước đây, một số cơ sở sấy hoa quả, trong đó có sấy chuối ứng dụng công nghệ sấy nhiệt sử dụng hơi nước sinh ra bằng nguyên liệu đốt từ củi khô nên sản phẩm chuối dẻo sơ chế được sấy ở nhiệt độ từ 80 - 90o C trong 36 giờ có chất lượng thấp, màu sắc không đẹp và điều quan trọng là sử dụng nguyên liệu đốt không thân thiện môi trường. Sau khi có sự tư vấn hỗ trợ và hướng dẫn của Sở KH&CN, Công ty Khương Tuyển đã ứng dụng KH&CN với hệ thống sấy bơm nhiệt vào sản xuất, công suất sấy từ 1.000 - 1.200 kg tươi/mẻ thu được 300 - 400 kg/ mẻ chuối sấy thành phẩm với độ ẩm dưới 15%, nhiệt độ từ 60 - 70o C. Thời gian sấy từ 30 - 35 giờ, tiêu thụ điện năng khoảng 380 kw/mẻ.

 

Thành phẩm mang màu sắc đặc trưng; giữ được mùi vị thơm ngon của chuối. So với phương pháp sấy truyền thống thì phương pháp sấy bơm nhiệt giảm sức lao động, đảm bảo an toàn thực phẩm, rút ngắn thời gian sấy và sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Sản phẩm chuối sấy dẻo của Công ty Khương Tuyển đạt được các chỉ tiêu về chất lượng, vi sinh và được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV Khương Tuyển Văn Đức Tiến cho biết: Sở KH&CN chuyển giao quy trình công nghệ sấy lạnh cho sản phẩm chuối sấy dẻo mang lại hiệu quả cao. Nhờ ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến này mà sản phẩm chuối dẻo của công ty đạt chất lượng tốt.

 

Với việc sử dụng công nghệ sấy này, sản phẩm giữ được hương vị tự nhiên, thành phần dinh dưỡng đều đạt yêu cầu, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường đón nhận và mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

 

Dự án thành công đã góp phần nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm chuối, giải quyết các vấn đề về bảo quản, xây dựng các chỉ tiêu chất lượng tiến tới cung cấp sản phẩm cho các chuỗi siêu thị; giúp nông dân không còn phụ thuộc vào mùa vụ cũng như tăng thời gian bảo quản nông sản sau thu hoạch, từ đó khắc phục được tình trạng nông sản tươi bị ép giá. Dự án đã tạo ra được một đặc sản mới của địa phương.

 

Việc nhân rộng mô hình chuyển giao công nghệ cho người dân và doanh nghiệp góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho cây chuối nói riêng và các loại hoa quả khác của tỉnh nói chung. Sản phẩm khi có đầu ra ổn định sẽ khuyến khích người dân học tập làm theo và mở rộng quy mô trồng chuối đạt chuẩn, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp đã được chuyển giao công nghệ giúp người dân tăng thu nhập và ổn định đầu ra cho nông sản.

 

Với thành công của việc ứng dụng công nghệ sấy lạnh chuối, Sở KH&CN sẵn sàng chuyển giao công nghệ để nhân rộng mô hình khi có đơn vị và doanh nghiệp cần ứng dụng. Từ hiệu quả thiết thực này, thời gian tới cần tăng cường áp dụng công nghệ, liên kết hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng giá trị của chuối quả nói riêng và sản phẩm nông sản nói chung tại địa phương, góp phần tăng giá trị kinh tế cho người dân.

 

Trần Cát Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập2
  • Hôm nay186
  • Tổng lượt truy cập2.818.564