Phóng sự - Huyện Hướng Hóa

 

Đổi thay ở xã Hướng Sơn

9:34, Thứ Ba, 5-7-2022 1419 0

Hướng Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Những năm qua, cùng với đầu tư của nhà nước thông qua các chương trình dự án, cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời xã đã phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân cũng như cảnh quan bộ mặt nông thôn Hướng Sơn ngày một đổi thay.

Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Sơn được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang

Chúng tôi có dịp đến thăm Khu tái định cư Ra Ly - Rào, nơi sinh sống của 45 hộ, với 173 nhân khẩu đồng bào dân tộc Vân Kiều được di dời về đây do nơi ở cũ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ năm 2020 có nguy cơ sạt lở đất cao và tận mắt chứng kiến đời sống của người dân nơi ở mới đang dần ổn định.

Chủ tịch UBND xã Lê Trọng Tường cho biết, Hướng Sơn là một trong 14 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, với 579 hộ, 2.338 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống ở 6 thôn: Ra Ly - Rào, Nguồn Rào - Pin, Hồ, Mới, Cát, Trĩa. Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 2.000 ha, trong đó đất có khả năng sản xuất nông, lâm nghiệp khá lớn; điều kiện khí hậu, thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng, con nuôi mang hiệu quả kinh tế cao. 

Nhưng những năm trước đây, cuộc sống của người dân khá vất vã; cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm. Tài nguyên đất và rừng khá dồi dào, nhưng trình độ dân trí hạn chế, nên người dân chưa biết cách khai thác. Thêm vào đó điều kiện giao thông đi lại hết sức khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông, lâm nghiệp và giao thương hàng hóa của người dân. Nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân trong xã đã đoàn kết nỗ lực vươn lên, tạo sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Sản xuất lúa nước đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân xã Hướng Sơn

Để phát triển kinh tế ổn định và bền vững, xã được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, như: Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, các trạm khuyến nông - khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện... tích cực hỗ trợ, giúp đỡ tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình trình diễn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo thuận lợi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình đầu tư của Đảng, Nhà nước như: Chương trình 135, 134, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ giống loại vật nuôi, cây trồng... 

Nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, thông qua sự quan tâm của nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và các mô hình sản xuất lúa nước, xã đã tập trung tuyên truyền người dân khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước hai vụ, đưa phân chuồng vào chăm bón, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy đại trà, nhờ vậy diện tích và sản lượng lúa nước đều tăng. Năm 2021, với sự hỗ trợ của huyện trên 200 triệu đồng; 5.100 kg giống lúa, xã đã tập trung chỉ đạo các hộ dân phục hóa, cải tạo diện tích lúa nước bị vùi lấp do mưa lũ năm 2020, đưa vào gieo cấy kịp thời vụ, toàn xã gieo cấy hơn 148 ha lúa nước, với sản lượng 520 tấn lúa.

Mặt khác, người dân đã tận dụng đất ven triền đồi nương rẫy trồng sắn, ngô, khoai lang và các cây họ đỗ, trồng cây ăn quả, cây cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi trâu bò đàn, lợn, dê và các loại gia cầm. Toàn xã đã trồng 146 ha sắn, với sản lượng 2.190 tấn; 14 ha lúa rẫy, 28 ha ngô; 93 ha cà phê, với sản lượng 419 tấn; hơn 16 ha cây ăn quả... Bên cạnh đó, tận dụng địa hình có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn nông sản dồi dào, xã đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hiện nay, đàn trâu 552 con, bò 606 con, 513 con dê, 920 con lợn, hơn 5.900 con gia cầm các loại, 1,3 ha mặt hồ nuôi cá nước ngọt. Nhiều hộ gia đình còn chủ động mạnh dạn vay vốn để mở rộng chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi đưa lại không chỉ đáp ứng nhu cầu lễ hội, thực phẩm mà đem lại nguồn thu nhập đáng kể trong đời sống kinh tế của người dân.  

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện tốt. Xã Hướng Sơn hiện có 16.449,71 ha diện đất có rừng, trong đó 14.086,76 ha rừng tự nhiên, 2.362,95 ha rừng trồng, chủ yếu là trẩu, bời lời, keo lai các loại; riêng năm 2021, xã phối hợp với Chương trình Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) triển khai trồng rừng sản xuất tại các thôn Ra Ly - Rào, Nguồn Rào - Pin, Hồ và thôn Mới với diện tích 98,3 ha.

Xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân về bảo vệ và phát triển vốn rừng, nâng cao ý thức, chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thành lập các tổ bảo vệ rừng ở 6 thôn, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng và ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Hiện nay, trên địa bàn đã cơ bản không còn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắn động vật hoang dã trái phép.

Cùng với những đổi thay về kinh tế, văn hoá, xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Huy động học sinh trong độ tuổi đến trường hằng năm đạt tỷ lệ cao; cơ sở vật chất trường lớp từ trung tâm xã cho đến các điểm trường ở các thôn đều được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang, các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được tăng cường. Trạm y tế của xã đã triển khai có hiệu quả các chương trình y tế, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu cư đã được đông đảo Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia mang lại hiệu quả thiết thực; các hoạt động tình nghĩa và chính sách xã hội luôn được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Hướng Sơn ngày một phát triển.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Phục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay471
  • Tổng lượt truy cập2.818.850